VN hiện đang đối mặt với vấn đề tổn thất và lãng phí trong việc sử dụng điện. Tỉ lệ điện thất thoát của VN giảm từ 25,4% năm 1999 xuống còn trên dưới 13% trong những năm gần đây. Trong khi đó, tỉ lệ thất thoát điện ở Trung Quốc chỉ ở mức 7% và Hàn Quốc ở mức 5%-6% trong suốt thời kỳ 1990-2002
Tiết kiệm điện để giải quyết căng thẳng điện mùa khô là vấn đề hoàn toàn có thể thực hiện được
Cứ đến hè là nước ta phải đối mặt với nạn thiếu điện gần như đã trở thành quy luật. Nguyên nhân do sản lượng điện nước ta được sản xuất chủ yếu từ thủy điện. Các nhà máy nhiệt điện như tua-bin khí chỉ chiếm 29,7% tổng sản lượng điện; dầu, than chiếm 19,9% và một phần lớn còn lại là từ các nhà máy thủy điện, chiếm đến 46,5%, chỉ có 3,9% là từ diesel và IPP. Mà thủy điện lại lệ thuộc vào “ông trời”. Nhưng đây chưa phải là bản chất của vấn đề. Điều quan trọng là VN vẫn bị xếp vào các nền kinh tế sử dụng điện chưa hiệu quả.
Để được 1 USD trong GDP, VN phải cần đến 1,02 KWh điện
VN hiện đang đối mặt với vấn đề tổn thất và lãng phí trong việc sử dụng điện. Tỉ lệ điện thất thoát của VN giảm từ 25,4% năm 1999 xuống còn trên dưới 13% trong những năm gần đây. Trong khi đó, tỉ lệ thất thoát điện ở Trung Quốc chỉ ở mức 7% và Hàn Quốc ở mức 5%-6% trong suốt thời kỳ 1990-2002.
Bên cạnh đó, để sản xuất ra 1 USD của GDP, năm 2005 VN phải cần đến 1,02 KWh điện. Trong khi Hồng Kông chỉ cần 0,220 KWh điện, Hàn Quốc 0,518, Malaysia 0,740, Thái Lan 0,761, Nhật Bản 0,194, Singapore 0,329, Đài Loan 0,478. Ngay cả Philippines cũng chỉ cần 0,512.
Như vậy, theo Bộ Công nghiệp, VN chưa phải là nền kinh tế tiết kiệm được năng lượng. Hay nói khác đi, chúng ta còn lãng phí điện quá lớn. Vì vậy, tiết kiệm điện để giải quyết căng thẳng điện mùa khô là vấn đề hoàn toàn có thể thực hiện được. Theo các chuyên gia kinh tế, đây là lĩnh vực đầu tư mang lại hiệu quả cao. Nhà nước chỉ cần đầu tư một chi phí nhỏ cho công tác quản lý năng lượng, hiệu quả thu lại sẽ vô cùng to lớn.
Tiết kiệm 10% điện năng, TPHCM tiết kiệm 1.200 tỉ đồng/năm
Ông Vòng A Lộc, Trưởng Phòng Quản lý điện năng (Sở Công nghiệp TPHCM), cho biết theo Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), do hạ tầng yếu kém, công nghệ sản xuất lạc hậu, văn hóa tiêu dùng điện thấp... nên hằng năm VN để lãng phí 30% lượng điện năng. Còn theo báo cáo của Sở Công nghiệp TP, qua các cơ sở được kiểm tra thì có đến 28,1% chưa thực hiện tiết kiệm điện. Năm 2005, bình quân mỗi ngày TPHCM tiêu thụ lượng điện năng khoảng 38 triệu KWh, cả năm là 13,8 tỉ KWh (bằng 28% của cả nước). Với giá trung bình 900 đồng/KWh, tiền điện năm 2005 của TPHCM khoảng 12.000 tỉ đồng. Nếu người dân, các doanh nghiệp, cơ quan... chỉ cần tiết kiệm 10% lượng điện năng tiêu thụ thì TPHCM sẽ tiết kiệm được 1.200 tỉ đồng.
Ông Phạm Minh Lương, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Nam, phân tích cả nước chỉ thiếu điện trong 2 tháng mùa khô. Trong 2 tháng này, điện thiếu chủ yếu vào giờ cao điểm, thời gian thiếu chỉ kéo dài vài chục phút, thậm chí có lúc chỉ thiếu khoảng năm - mười phút. Vì vậy, đầu tư một nhà máy phát điện chỉ sử dụng vào chừng đó thời gian là rất lãng phí.
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM, cho biết ở các nước tiên tiến đã hình thành tổ chức quản lý năng lượng. Còn VN do chưa có tổ chức quản lý năng lượng nên việc thực hành tiết kiệm trong sử dụng năng lượng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn